Toàn bộ website

Hiệu quả quăng mồi hiệu quả với cần câu Surf

 

Cần câu Surf là loại cần chuyên dụng trong câu bờ biển.  Thông thường trong các trường hợp  câu ở các khu vực hồ lớn, bờ biển rộng, nhiều gió, mục tiêu ở rất xa, dây tải trọng cao, chì lớn thì các cần thủ thường chọn cần Surf. Bởi vậy đại đa số cần Surf khá nặng và dài để cân đối. Trong câu biển, mục tiêu ở rất xa nên kỹ thuật ném dây cực kỳ quan trọng, nó là điều tiên quyết quyết định đến sự thành công của chuyến câu biển hôm đó.

 

 

Trước hết muốn câu biển thì bạn cần chuẩn bị các dụng cụ đi kèm với cần Surf như: Máy câu, cước, mồi, chì, thẻo… Điều quan trọng rằng các dụng cụ máy, cước, mồi, chì phải tương thích với nhau.

 

1. Cần Surf: chiều dài từ 3.9m đến 4.5m, gồm 2 hay 3 khúc, làm bằng carbon hay phíp sợi thủy tinh. Cần carbon thì nhẹ hơn,  tính đàn hồi cao, liệng xa và chính xác hơn cần phíp nhưng giá cả thì đắt hơn cần phíp.

 

Hình 1: Câu biển bạn phải sử dụng cần surf để phát huy tác dụng của nó trong câu biển.

 

2. Máy câu:

- Tùy theo loại cá muốn câu, hoặc địa hình câu để chọn máy cho phù hợp. Cần Surf có thể dùng với máy câu đứng thông thường hoặc máy đồng bộ là máy Surf.

- Nếu dùng máy đứng thì bạn nên quan tâm đến loại máy “bait runner” vì hệ thống này rất hữu dụng trong  khi câu “ Surf”. Ví dụ trong trường hợp khi nước lên, phải dời chỗ cặm dùi vào sâu hơn vào phía sau, thì bạn có thể sử dụng hệ thống này để di chuyển cả cần lẫn máy mà dây câu vẫn căng, tức bạn không cần xả phanh để điều chỉnh trước.

- Nếu chọn địa hình câu là bờ biển, khu ghềnh đá, cầu cảng, bến tàu, hoặc các bờ chắn sóng thì nên chọn máy có ổ cước rộng chứa được nhiều dây.

Hình 2: Lựa chọn máy câu đặc biệt dành cho câu "surf" và có thương hiệu nổi tiếng .

 

3. Dây cước: Quấn dây vào máy nên đầy để khi quăng sẽ ít bị cản dây vào ổ chứa dây.

 

Hình 3: Bạn nên quấn cước đầy để ném dây dễ dàng hơn.

 

4.Thẻo: Nếu chọn dây shock leader làm thẻo nên chọn loại chịu lực 40-50lb để phòng dây bị đứt khi ném. Độ dài của thẻo từ 15-60cm tính từ đầu cần. Nối đoạn thẻo với khoen chống xoắn.

Thẻo câu Surf có muôn kiểu thắt khác nhau, nhưng  thông thường dùng loại thẻo đôi, gồm 2 lưỡi câu. Đặc biệt khi neo thẻo thì dùng chì râu vẫn là tốt nhất.

 

Các kỹ thuật ném mồi:

Tùy theo địa hình câu, hoặc mục tiêu mà người câu chọn thế ném mồi xa hoặc gần.

 

                                          Hình 4: Kỹ thuật ném mồi nhẹ

 

1. Ném mồi nhẹ, mục tiêu gần:

- Thế đứng: Nếu người câu thuận tay phải, hãy đặt chân trái nghiêng về bên phải một chút để tăng lực đẩy mồi đi. Không được đứng song song với bờ hay thẳng góc với hướng ném sẽ làm giảm sức mạnh khi ném mồi.

- Cách tiến hành thực hiện:

+  Kéo mồi về sát đầu cần; phất nhẹ mồi ra phía sau qua đầu;

+ Đưa cần ra sau nghiêng một góc 45 độ.

+Tại  vị trí này hướng cần về phía mục tiêu, vụt thật nhanh, mạnh qua đầu hướng về mục tiêu;

+ Đặt cần nghiêng một góc 45 độ trước mặt, và thả dây ra.

+ Đồng thời theo dõi đường bay của mồi và từ từ hạ thấp cần theo chiều rơi của mồi.

+ Khi mồi chạm mặt nước thì quay máy so dây.

- Trở ngại thường gặp: Khi ném mồi kiểu này, đôi khi gặp tình trạng mồi bị tuột ra khỏi lưỡi câu khi người câu vung mạnh cần ném về phía trước.

- Cách thức giải quyết việc này bằng thế ném khác như sau: Treo mồi vào đoạn thẻo dài 1m tính từ đầu cần. Vung cần ra sau, thả mồi sát đất phía sau lưng rồi vụt mồi thật nhanh, mạnh qua đầu hướng về mục tiêu. Cách này cũng hạn chế việc vặn cần gây tức cần và gãy bất ngờ.

 

2. Ném mồi cho mục tiêu rất xa:

- Kiểu ném này có ưu điểm là dồn lực tối đa vào cần khi đong đưa mồi rồi ném, giúp mồi bay xa. Những người câu bình thường nếu tập luyện thường xuyên có thể ném được mồi xa tới 130 mét. Trong khi người câu chuyên nghiệp ném đến hơn 200 mét với thế ném này.

- Cách thức tiến hành:

+ Thả dây ra khỏi đầu cần một đoạn khoảng 1,5-2m.

+  Xoay nghiêng người, đưa cần ra phía sau, giữ cần trên cao nghiêng theo chiều đứng của người câu.

+ Lắc cho mồi đưa ra xa khỏi đầu cần, đưa lên cao xa khỏi thân mình, và bắt đầu lắc cho mồi đong đưa tới lui. Khi mồi đong đưa tới mức cao nhất thì vụt cần về phía trước cho mồi tung ra xa.

                                         Hình 5: Kỹ thuật ném mồi xa

 

- Những điều cần lưu ý:

+ Sử dụng thế ném này khi câu ở bờ biển, cầu cảng, khu vực ghềnh đá, nơi rộng thoáng giúp mồi tránh được các mỏm đá khiến mồi bị vướng hoặc bị tơi nát khi rơi trúng đá…

+ Câu với máy spinning sẽ ứng dụng được với nhiều thế ném mồi. Người câu dùng một tay cầm chuôi cần, một tay nắm máy để kiểm soát dây tuôn ra. Khi ném mồi, mồi bay ra cùng lúc với dây khi cần đang nghiêng với mặt nước một góc 45 độ. Nếu thả dây sớm quá, đường đi sẽ dài nên khi mồi chạm mặt nước dây sẽ bị chùng rất nhiều. Còn nếu thả dây chậm mồi sẽ chạm mặt nước nhanh và vì vậy mồi sẽ không bay được xa. Nếu địa hình câu có nhiều gió, cần đưa tầm ném rà sát mặt nước để tránh gió tạt mồi.

+ Ném với cần câu Surf (thường dài) cần lưu ý sự an toàn cho người xung quanh và bản thân trong điều kiện mồi và chì nặng. Trong thế ném để quăng mồi thật xa, cần phải có một một biên độ an toàn được tính như sau:

Chu vi khoảng trống xung quanh người câu = độ dài cần câu + độ dài của dây ra khỏi cần + 3m khoảng trống an toàn. Ví dụ với cây cần surf 4,5m cần phải có một khoảng trống xung quanh khoảng 10mét để thao tác.

Hình 6: Ném với cần câu Surf (thường dài) cần lưu ý sự an toàn cho người xung quanh

 

Mong  rằng với những chia sẻ kinh nghiệm trên sẽ giúp các bạn có thể nắm bắt được dễ dàng các kỹ thuật ném mồi hiệu quả khi sử dụng cần câu “ Surf”- cần biển.

Asun.vn chúc các bạn vừa có một chuyến đi câu vừa được hóng gió biển, được tắm nắng biển,  được đùa giỡn với sóng biển, vừa được thu hoạch bội thu nhé!

 

ASUN.VN (Tổng hợp)

               

 


Bài viết liên quan

LÊN ĐẦU TRANG